noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười 6, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngDoanh nghiệpDoanh nghiệp bảo hiểm thận trọng lên kế hoạch kinh doanh 2024

    Doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng lên kế hoạch kinh doanh 2024

    Dù kết quả kinh doanh 2023 ghi nhận sự khởi sắc, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn rất cẩn thận đối với kế hoạch kinh doanh 2024.

    Dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận

    Năm 2024, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết đã công bố kế hoạch lợi nhuận đi ngang hoặc sụt giảm so với năm trước dù kết quả kinh doanh năm 2023 ghi nhận sự khả quan.

    Theo đó, ĐHĐCĐ CTCP PVI (HNX: PVI) ngày 21/3 vừa qua đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 13,3% so với năm 2023 đạt 1.080 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến 17.398 tỷ đồng, tăng 8% so với mức thực hiện 2023.

    Phía PVI nhận định, năm 2024 tiếp tục là năm thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Thị trường bảo hiểm tiếp tục đối mặt với không ít thách thức để đẩy mạnh tăng trưởng và có nhiều yêu cầu thay đổi về quản trị, nguồn vốn, tính minh bạch, hiệu quả doanh nghiệp cũng như áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo kiểm khi áp dụng luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

    Tổng CTCP Tái bảo hiểm Hà Nội (HNX: PRE) công bố tài liệu ĐHĐCĐ với dự kiến cả doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều đi lùi so với mức thực hiện năm 2024. Theo đó, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 2.830,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 240,1 tỷ đồng, giảm lần lượt 5,3% và 6% so với năm trước.

    Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch chủ động tái cơ cấu doanh thu phí nhận tái bảo hiểm theo hướng cắt giảm doanh thu các dịch vụ không hiệu quả, đẩy mạnh tăng trưởng các dịch vụ có hiệu quả, từ đó đảm bảo lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kiểm soát tỉ lệ kết hợp không vượt quá 95%.

    Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HoSE: PTI) cũng dè dặt đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, giảm 30,8% so với kết quả năm trước. Trong khi lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 253 tỷ đồng, hoàn thành 225,8% kế hoạch.

    Tại ĐHĐCĐ sắp tới, Tổng CTCP Bảo Minh (HNX: BMI) cũng dự kiến trình ĐHĐCĐ kế hoạch tổng doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 2,56% so với năm trước. Công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế 377 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ so với mức thực hiện năm 2023 là 376,2 tỷ đồng.

    Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, trong năm 2024, công ty còn phải đối mặt với khó khăn riêng, đặc biệt là việc cơ cấu lại nhóm nghiệp vụ bảo hiểm con người trong đó nghiệp vụ bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ là nghiệp vụ kinh doanh không có hiệu quả trong năm 2023. Vì vậy, công ty đánh giá kế hoạch kinh doanh 2024 cũng cần thiết phải được xây dựng một cách thận trọng.

    Năm 2024, Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO – HoSE: PGI) lên kế hoạch tổng doanh thu 4.766,8 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm gốc là 4.024 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế 288,8 tỷ đồng, mục tiêu này gần như đi ngang so với mức thực hiện năm 2023 là tổng doanh thu 4.847,6 tỷ đồng và lãi trước thuế 283,7 tỷ đồng.

    PJICO cho rằng, với nhận định tình hình thị trường bảo hiểm và nền kinh tế năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2023 và điều kiện thực tiễn riêng của công ty trong năm 2024, các chỉ tiêu pháp lệnh năm 2024 được xây dựng trên cơ sở đánh giá các điều kiện và hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra ổn định và phù hợp với năng lực của công ty.

    Dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2024. Theo đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 40,5 tỷ đồng, tăng 22,6%, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 2.970,6 tỷ đồng, tăng 14,1 so với mức thực hiện năm 2023.

    ĐHĐCĐ thường niên 2024 Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG) sáng 10/4 cũng đã thông qua mục tiêu doanh thu bảo hiểm tăng trưởng 33%, lợi nhuận tăng trưởng 25% so với mức thực hiện năm 2023.

    Bảo hiểm Quân đội cho biết, năm 2024 đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, công ty đẩy mạnh triển khai bám sát hiệu quả các sáng kiến chiến lược giai đoạn 2022 – 2026, tăng tốc triển khai các nền tảng kinh doanh số, gia tăng trải nghiệm khách hàng, cải tiến chất lượng dịch vụ, quản trị hiệu quả.

    ĐHĐCĐ thường niên 2024, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) vừa qua cũng đã thông qua mục tiêu Tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng công ty mẹ đạt gần 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7%, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 600 tỷ đồng, tăng trưởng 4,5% so với năm 2023.

    Mạnh tay chi trả cổ tức

    ĐHĐCĐ Bảo hiểm PVI cũng đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận 2024. Theo đó, năm 2023, PVI dự kiến chi gần 750 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, tỉ lệ 32%. Tỉ lệ này cao hơn so với kế hoạch chia cổ tức được đưa ra trước đó là 28,5%.

    Năm 2024, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 765 tỷ đồng. Sau khi trích quỹ, công ty dự kiến chi trả cổ tức tỉ lệ tối thiểu 28,5% trên mệnh giá cổ phần.

    Tổng CTCP Tái bảo hiểm Hà Nội cũng dự kiến chi trả cổ tức 2024 cho cổ đông với tỉ lệ 16% trên vốn điều lệ 1.044 tỷ đồng. Tỉ lệ này tương đương với phương án phân phối lợi nhuận 2023 là 16%, tương ứng công ty sẽ chi khoảng 167 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

    ĐHĐCĐ Bảo hiểm Quân đội cũng đã thông qua phương án chia cổ tức 10% bằng tiền từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023. Theo đó, công ty dự kiến chi khoảng hơn 172 tỷ đồng để chia cổ tức.

    Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, PJICO cũng dự kiến trích hơn 133 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 12%. Năm 2024, công ty đặt kế hoạch chia cổ tức là 10% vốn điều lệ bằng tiền mặt.

    ĐHĐCĐ Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. Theo đó, công ty dự định chia cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 15%, tương đương chi gần 176 tỷ đồng.

    Đồng thời ĐHĐCĐ cũng phê duyệt kế hoạch chi trả cổ tức 2024 với tỉ lệ 15%, mức chi trả và hình thức cụ thể sẽ được trình ĐHĐCĐ thường niên 2025 phê duyệt dựa trên tình hình thực tế.

    Dù vậy, cũng có những công ty dự kiến giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức như Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Bưu điện… Theo Bảo hiểm Hàng không, việc giữ lại lợi nhuận nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

    Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, trong quý I/2024, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2%. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định. Dù vậy, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2024 ước đạt 53.295 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 33.740 tỷ đồng, giảm 10,9%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.555 tỷ đồng, tăng 9,8%.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU