noel giáng sinh vui vẻ
Thứ tư, Tháng mười 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủTiêu điểmĐBQH nói về vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia

    ĐBQH nói về vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia

    Theo đại biểu Minh Tâm, cần quy định ngay trong luật những tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn.

    Đánh giá năng lực hành nghề

    Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 6/1, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra và Bộ Y tế đã tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 4.

    Đại biểu cơ bản nhất trí với quy định về Hội đồng y khoa Quốc gia trong dự thảo luật để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

    Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, việc thành lập Hội đồng y khoa quốc gia lại phải tổ chức thêm bộ máy, biên chế.

    Tiêu điểm - ĐBQH nói về vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia

    ĐBQH Nguyễn Minh Tâm góp ý kiến tại phiên thảo luận.

    Đại biểu cho biết, Hội đồng Y khoa quốc gia đã được Thủ tướng thành lập từ năm 2020 và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ cho tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

    Mặt khác, dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia, thiết nghĩ các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia theo như dự thảo luật là rất quan trọng, mang tính chuyên môn sâu như xây dựng và ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề…

    Do đó, cần quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên Hội đồng Y khoa quốc gia đảm bảo đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

    Về các trường hợp người hành nghề được thực hiện khám bệnh, chữa bệnh mà không phải đăng ký nghề, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi theo hướng tách thành 2 điểm: một điểm quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, một điểm quy định về chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn.

    Về các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 48, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung ngay trong luật các quy định cụ thể đối với các cơ sở dịch vụ y tế nói chung, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ nói riêng tăng cường sự quản lý Nhà nước đối với cả cơ sở này.

    Đồng thời, cân nhắc nghiên cứu giảm thời gian thực hành hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để tạo điều kiện cho các bác sĩ ra trường được sớm hành nghề bổ sung lực lượng cho đội ngũ y tế hiện nay.

    Triệt tiêu lãng phí cả hữu hình và vô hình

    Đại biểu Lê Văn Cường (đoàn Thanh Hóa) khẳng định, dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) lần này có 121 điều, trong đó đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các chuyên gia và đại biểu Quốc hội.

    Trong đó, khoảng 20% số điều rất quan trọng, có nhiều điểm mới, có thể tác động và quyết định khoảng 80% chất lượng khám, chữa bệnh hiện nay.

    Hiện nay, có khoảng 182 trường khối ngành sức khỏe, trong đó 90 trường công lập, 92 trường ngoài công lập, các trường này khác nhau về tầm nhìn, mục tiêu, điểm đầu vào, về giáo trình, giảng viên cơ sở thực hành… Vì vậy, chúng ta cần có bộ công cụ để chuẩn hóa sau khi tốt nghiệp.

    Tiêu điểm - ĐBQH nói về vai trò của Hội đồng Y khoa quốc gia (Hình 2).

    ĐBQH Lê Văn Cường đề nghị cần phải đảm bảo tiếp cận bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề đối với người học.

    “Hội đồng Y khoa quốc gia có vai trò rất quan trọng, là nơi tập hợp điều phối các chuyên gia, các giảng viên, các trường đại học, các hội nghề nghiệp, cũng như các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các bộ công cụ để đánh giá năng lực hành nghề”, đại biểu Cường cho biết.

    Đại biểu cũng đề nghị cần phải đảm bảo tiếp cận bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề đối với người học, tránh hiện tượng đến kỳ thi học cấp tốc, lúc đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn.

    Về lộ trình, trước mắt thực hiện đến chỉ nên tập trung vào đối tượng bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh trong bối cảnh điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

    Về phân cấp khám bệnh, chữa bệnh sẽ làm thay đổi chiến lược hệ thống bên ngoài thì đánh giá chất lượng sẽ thay đổi chiến lược bên trong của các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay. Điều này sẽ giúp chuẩn hóa quy trình quản lý về chuyên môn, triệt tiêu lãng phí cả hữu hình và vô hình. Từ đó giúp nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí, giảm tối đa các sản phẩm lỗi của cơ sở y tế.

    Vì vậy, đại biểu kiến nghị có lộ trình bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nâng cao theo chuyên khoa, theo dịch vụ kỹ thuật tại khoản 1, Điều 57, thay vì chỉ khuyến cáo như dự thảo.

    Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Cường cũng đề nghị tập trung xây dựng hệ thống pháp luật, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, cũng như cấu trúc lại hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU