NĐT: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Ông đánh giá thế nào về việc lấy phiếu tín nhiệm này?
ĐBQH Trương Xuân Cừ: Lấy phiếu tín nhiệm của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội là việc làm rất tốt và có tác dụng thiết thực để mỗi một cán bộ được giao trọng trách dân cử, hoặc được đề bạt, bổ nhiệm nhìn lại bản thân mình một cách khách quan hơn, rõ ràng hơn.
Để mỗi cán bộ, chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn “tự soi, tự sửa”, nhìn thấy những điều cần khắc phục phải có quyết tâm và hành động cụ thể.
Qua các lần lấy phiếu tín nhiệm, thấy rằng càng ngày chúng ta càng chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện có chất lượng. Đặc biệt, như việc lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng thể hiện sự khách quan, minh bạch, phản ánh được trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm và các đồng chí được tín nhiệm.
Còn những chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn với việc lấy phiếu tín nhiệm lần này nhằm nâng trách nhiệm của mỗi một người được giữ chức danh. Đồng thời, nâng trách nhiệm của Quốc hội trong việc nhìn nhận, đánh giá các ĐBQH được giữ những trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước.
Từ đó, giúp các chức danh cho Quốc hội bầu, phê chuẩn nhìn nhận bản thân một cách khách quan, khắc phục những khó khăn để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
NĐT: Thưa ông, những người lấy phiếu tín nhiệm lần này cần đảm bảo về mặt thời gian trong cung cấp thông tin ra sao, để đại biểu Quốc hội làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm cho thực chất, khách quan?
ĐBQH Trương Xuân Cừ: Việc cung cấp thông tin là rất cần thiết, tuy nhiên để nhìn nhận đánh giá một cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý được Quốc hội bầu, phê chuẩn thì phải có một quá trình.
Được thể hiện thông qua việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các cán bộ, lãnh đạo đó tại cơ quan, đơn vị, qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua dư luận, các kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, thông qua các phiên chất vấn, những vấn đề phản ánh của nhân dân… Cho nên, việc đánh giá các đại biểu do Quốc hội bầu, phê chuẩn phải đánh giá ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Điều này, đòi hỏi mỗi ĐBQH phải có trách nhiệm tìm tòi, nghiên cứu và có các tư liệu, số liệu để đánh giá một cách khách quan, công tâm thông qua lá phiếu của mình.
NĐT: Việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy điều gì trong công tác quy hoạch, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ?
ĐBQH Trương Xuân Cừ: Qua kết quả tín nhiệm này, một mặt phản ánh được việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự của chúng ta có đảm bảo tốt chưa, đảm bảo quy trình công tác cán bộ đã chọn được những người thật sự có năng lực, có tâm huyết hay chưa?. Qua đó, một mặt cũng là để đánh giá cán bộ hiện nay.
NĐT: Theo đại biểu, từ khâu lấy phiếu tín nhiệm này chúng ta cần phải làm gì để ngày càng nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu, người được lấy phiếu tín nhiệm?
ĐBQH Trương Xuân Cừ: Theo các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng và theo công tác tổ chức cán bộ hiện nay cần phải tiếp tục có những thông tin về các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, thông tin đánh giá về ngành, về hiệu quả công việc, về những chuyển biến từ khi nhận nhiệm vụ đầu nhiệm kỳ đến nay… để các ĐBQH có cơ sở nắm bắt thông tin.
NĐT: Cá nhân ông có kỳ vọng gì thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này?
ĐBQH Trương Xuân Cừ: Tôi tin rằng, qua việc quán triệt và tổ chức triển khai hết sức chặt chẽ thì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ phản ánh được kết quả thực chất. Cũng qua lần lấy phiếu tín nhiệm này, mỗi một đại biểu được lấy tín nhiệm chắc chắn rằng họ sẽ nhìn nhận về bản thân, nhìn nhận về công việc một cách khách quan hơn. Từ đó, khắc phục những hạn chế, phát huy mặt mạnh để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại vai trò, vị trí, tư cách, trách nhiệm của mình
ĐBQH Vũ Trọng Kim – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu đoàn Nam Định cũng chia sẻ, việc lấy phiếu tín nhiệm tới đây là một dịp để những người có chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn tự nhận thấy ưu khuyết điểm của bản thân và những điều cần phải phấn đấu. Để một lần họ nhìn lại vai trò, vị trí, tư cách, trách nhiệm của mình đã làm đến đâu, để tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong công việc.
Mặt khác, tổ chức cũng thông qua đó động viên, hỗ trợ giúp đỡ để cán bộ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Điều này, cũng thể hiện được sự mong đợi của cử tri là nhìn thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là có tác dụng tích cực; đánh giá đúng, sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp. Đặc biệt, phát hiện trong xã hội những người có tài năng, đức độ, có đủ phẩm chất để có thể sẵn sàng thay thế những người có năng lực, phẩm chất yếu kém, thoái hóa biến chất.
Theo quy định tại Nghị quyết số 96, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước.
Nghị quyết số 96 cũng quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được nêu trên.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dbqh-lay-phieu-tin-nhiem-de-moi-can-bo-tu-soi-tu-sua-a630422.html