noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng Bảy 7, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môĐánh giá tổng thể hiệu quả của Chương trình phục hồi kinh...

    Đánh giá tổng thể hiệu quả của Chương trình phục hồi kinh tế

    Theo ông Vũ Hồng Thanh, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

    Nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ

    Chiều 12/10, tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

    Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết.

    Bộ trưởng nhấn mạnh đây là nỗ lực rất lớn khi nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây nhưng đã được nghiên cứu, xây dựng theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được đánh giá tác động trước khi ban hành.

    Kinh tế vĩ mô - Đánh giá tổng thể hiệu quả của Chương trình phục hồi kinh tế

    Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

    Các chính sách mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

    Theo ông Dũng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94.700 tỷ đồng.

    Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

    Về những tồn tại, hạn chế, ông Dũng cho biết, việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai chính sách thuộc Chương trình đã được triển khai tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra.

    Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức triển khai thực hiện;

    Trong khi tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm 2022 đến nay thay đổi nhanh, rất phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới, không thể dự báo, yêu cầu thích ứng linh hoạt, có các định hướng, giải pháp ưu tiên khác nhau trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế…

    Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, căn cứ tình hình triển khai thực tế và kiến nghị của các cơ quan liên quan, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xem xét, quyết nghị một số nội dung theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 6 Nghị quyết số 43 đối với một số vấn đề cấp bách, cần triển khai ngay; cho ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định đối với một số nội dung khác.

    Đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách

    Thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về những tồn tại, hạn chế.

    Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

    Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43, ông Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung phân tích về những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025. Từ đó, đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách tới khả năng phục hồi của người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

    Nhìn chung, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế – xã hội năm 2022 và 2023.

    Về chính sách tài khóa, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước và nền kinh tế;

    Trong đó, một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,1% kế hoạch, trong đó chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (Nghị quyết số 101/2023/QH15);

    Kinh tế vĩ mô - Đánh giá tổng thể hiệu quả của Chương trình phục hồi kinh tế (Hình 2).

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

    Chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa, trong đó chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra và hiện nay vẫn đang tiếp tục có nhu cầu lớn nhưng không có nguồn lực để bố trí.

    Bên cạnh đó, việc giải ngân hết các gói hỗ trợ này theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện.

    Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm;

    Ngoài những nguyên nhân đã chỉ ra trong báo cáo, cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách;

    Bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

    Về chính sách tiền tệ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 43, phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU