Người Slovakia sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 30/9 tới để bầu ra Quốc hội khóa mới. Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy rất có khả năng cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico sẽ giành chiến thắng.
Tâm điểm Ukraine
Theo kết quả của 4 cuộc thăm dò gần đây nhất, Đảng SMER-SSD của nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy đang bám đuổi sít sao với Đảng Cấp tiến Slovakia (PS) theo chủ nghĩa tự do. Việc ông Fico thành công trở lại nắm quyền sẽ làm tăng nguy cơ quốc gia Trung Âu này từ bỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với nước láng giềng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Trên danh nghĩa là một nhà dân chủ xã hội, ông Fico – từng giữ ghế Thủ tướng Slovakia trong 3 nhiệm kỳ – trên thực tế là một người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu có mối liên hệ chặt chẽ với Thủ tướng Viktor Orban của Hungary. Giống như Hungary, Slovakia vừa là thành viên EU, vừa là thành viên NATO.
Ông Fico, 59 tuổi, đã từ chức vào năm 2018 sau các cuộc biểu tình chống tham nhũng theo sau vụ sát hại một nhà báo điều tra. Kể từ đó, vị chính trị gia kỳ cựu đã duy trì quan điểm thân Nga hơn và liên tục phản đối sự điều hành của liên minh trung hữu từ năm 2020. Liên minh đó đã sụp đổ vào năm ngoái và được thay thế bởi một Nội các tạm thời.
Ông Fico đã cam kết chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine, đối lập hoàn toàn với vị thế hiện tại của Slovakia với tư cách nhà cung cấp thiết bị hạng nặng cho nước láng giềng Đông Âu đang chìm trong xung đột.
“Chúng tôi từ chối những tuyên bố và quan điểm cho rằng xung đột Nga-Ukraine hiện tại cũng là xung đột của chúng tôi”, ông Fico nói với hãng tin Reuters trong một email.
Và trong chiến dịch vận động bầu cử của mình, ông Fico đã loại trừ khả năng ủng hộ Kiev trở thành thành viên NATO, nói rằng Ukraine nên tiếp tục là “vùng đệm giữa Nga và NATO”.
Ngoài ra, gần đây Slovakia, cùng với Ba Lan và Hungary, vẫn đang duy trì mối quan hệ căng thẳng với Ukraine về vấn đề ngũ cốc.
Tác động lan tỏa
Nhà phân tích chính trị Grigorij Meseznikov có trụ sở tại thủ đô Bratislava của Slovakia cho biết, mặc dù có giọng điệu gay gắt, nhưng ông Fico biết cách tránh các cuộc đụng độ không cần thiết với giới lãnh đạo EU ở Brussels hoặc các đồng minh NATO.
Vị chính trị gia cánh hữu đã chỉ trích việc người di cư được phép quá cảnh Slovakia và cho biết trong một cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 26/9 rằng ông sẽ ngay lập tức áp đặt các biện pháp kiểm soát ở biên giới với Hungary.
Nhưng dù Đảng SMER-SSD hay Đảng PS về nhất, họ đều phải dựa vào cả chục chính đảng nhỏ hơn để giành được đa số trong Quốc hội Slovakia gồm 150 ghế.
Theo đó, các chính sách của ông Fico cũng sẽ phụ thuộc vào liên minh mà Đảng SMER-SSD có thể hình thành, với các đối tác tiềm năng bao gồm từ Đảng Hlas cánh tả ôn hòa đến Đảng Republika cực hữu.
Với tư cách đảng lớn thứ 3 ở Slovakia, Đảng Hlas (Tiếng nói) của ông Peter Pellegrini, cựu thành viên của Đảng SMER-SSD và cựu Thủ tướng Slovakia (2018-2020), có khả năng sẽ là nhân tố quyết định phần thắng nghiêng về bên nào, nhưng ông Pellegrini được coi là có quan hệ thân cận với ông Fico hơn.
Trong khi đó, các cử tri theo chủ nghĩa tự do trung dung ủng hộ Đảng PS do ông Michal Simecka, 39 tuổi, dẫn dắt. Ông Simecka là sinh viên tốt nghiệp khoa học chính trị tại Đại học Oxford và Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Đảng PS đã loại trừ khả năng hợp tác với những đảng cực đoan hoặc với ông Fico.
Cuối cùng, cuộc tổng tuyển cử vào ngày 30/9 tới không chỉ có tính then chốt đối với người Slovakia, mà lựa chọn của họ còn có tác động lan tỏa ra ngoài biên giới quốc gia. Do đó, Brussels sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử, và sẵn sàng áp đặt các biện pháp phù hợp, kể cả dừng các khoản trợ cấp của EU, nếu Slovakia thực hiện bất kỳ bước đi nào trái với quy định của khối.
Minh Đức (Theo Reuters, Al Jazeera)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-dua-sit-sao-quyet-dinh-lap-truong-cua-slovakia-doi-voi-ukraine-a628586.html