Khi cuộc xung đột ở Ukraine đang trở thành cuộc chiến tiêu hao, quân đội trên chiến trường cũng trở nên “khát” vũ khí. Ngay lúc này, nguồn viện trợ bổ sung từ Mỹ đang bị “tắc” ở Quốc hội nước này, trong khi nỗ lực hỗ trợ Kiev của EU đang bị cản trở bởi sự phủ quyết của các Thủ tướng “thân Nga” của Slovakia và Hungary.
Do đó, nhu cầu đối với nguồn cung từ các đồng minh châu Âu càng trở nên cấp thiết hơn. Bulgaria – một quốc gia thành viên NATO và EU – hiện đang xuất khẩu vũ khí sang Ukraine. Theo Bộ trưởng Kinh tế Bulgaria Bogdan Bogdanov, xuất khẩu quốc phòng của đất nước không bị cản trở bởi bất kỳ hạn chế nào.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình địa phương gần đây, ông Bogdanov cho biết rằng sản xuất quân sự của Bulgaria, bao gồm cả ngành công nghiệp quốc phòng nhà nước và tư nhân, đã chứng kiến sản lượng tăng gấp đôi trong thời gian gần đây.
“Cả cơ sở quốc phòng của nhà nước và tư nhân đều đang hoạt động với công suất tối đa. Chúng tôi đã cố gắng tăng gấp đôi sản lượng trong vòng một năm”, ông Bogdanov giải thích.
Khẳng định lại vai trò quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng, vị Bộ trưởng Bulgaria chỉ ra rằng ngành này tạo công ăn việc làm cho hơn 70.000 lao động trong nước, và quốc gia Đông Âu 6,7 triệu dân cam kết duy trì đà phát triển hiện nay.
Không còn là điều cấm kỵ
Bulgaria là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Âu được tiếp cận ngay sau khi bùng phát xung đột quân sự ở Ukraine để cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô.
Tuy nhiên, vẫn không có thỏa thuận nào như vậy được hoàn tất vì NATO và các đồng minh Bulgaria thừa nhận vai trò quan trọng của những chiến đấu cơ này trong việc bảo vệ an ninh quốc gia của Bulgaria và biên giới của NATO.
Các cuộc bầu cử quốc hội liên miên trong 2 năm qua ở Bulgaria không thể thành lập được một chính phủ đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu vũ khí của Sofia, đặc biệt là sang Ukraine.
Mặc dù trước đó Bulgaria không công khai thừa nhận xuất khẩu vũ khí sang Ukraine, nhưng vẫn có bằng chứng liên quan đến sự hiện diện của các mặt hàng do nước này sản xuất trên tiền tuyến Ukraine.
Chỉ đến khi xuất hiện hình ảnh binh sĩ Ukraine cầm súng phóng lựu chống tăng sản xuất ở Bulgaria, mọi sự mới được xác nhận. Nhưng trong năm 2022, xuất khẩu vũ khí của Bulgaria đã tăng 200%, với gần như toàn bộ sản lượng được xuất khẩu thông qua các trung gian sang Ukraine.
Các sản phẩm khác của Bulgaria như mìn sát thương và chống tăng, ống phóng lựu, kính ngắm quang học và chỉ báo mục tiêu cũng đã được các lực lượng Ukraine sử dụng.
Một trong những lô hàng gần đây của Bulgaria đang được chuẩn bị cho Ukraine bao gồm tên lửa 5B55P (K), các thành phần của tổ hợp phòng thủ tên lửa S-300 được sử dụng trong các hệ thống phòng không Ukraine.
Việc xuất khẩu vũ khí sang Ukraine qua trung gian là kết quả của lập trường tránh đối đầu của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev – người được cho là có quan điểm “thân Nga”. Giờ đây, một chính phủ “thân phương Tây” hơn đang điều hành quốc gia Đông Âu, khiến việc Sofia chuyển vũ khí cho Kiev không còn là điều cấm kỵ.
Công cụ mang lại chiến thắng
Kho dự trữ vũ khí khổng lồ thời Liên Xô và ngành công nghiệp quốc phòng rộng lớn của Bulgaria được cho là công cụ có thể mang lại chiến thắng cho Ukraine, tờ Kyiv Independent của Ukraine nhận định sau cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây với Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria Todor Tagarev.
Theo lời của ông Tagarev, việc Bulgaria cung cấp viện trợ cho Ukraine vừa là “nghĩa vụ đạo đức”, vừa mang lại lợi ích khi duy trì sự ổn định ở khu vực Đông Âu thuộc Biển Đen.
Trong chuyến thăm công khai đầu tiên tới Bulgaria hồi đầu tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích Tổng thống Bulgaria Radev vì lập trường của ông chống lại việc trang bị vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh mà ông gọi là “xung đột”.
Đáp lại, ông Radev đã nói với các phóng viên rằng Kiev “kiên quyết theo đuổi chiến tranh” trong khi “Châu Âu chi trả toàn bộ chiến phí”.
Bình luận của ông Radev ngay lập tức thu hút sự chỉ trích từ Đại sứ quán Ukraine ở Sofia. Thủ tướng Bulgaria Nikolay Denkov cũng bày tỏ sự không đồng tình, phản bác rằng những bình luận này không phản ánh quan điểm của EU và NATO – cả hai tổ chức mà Bulgaria đều là thành viên.
Ông Tagarev tái khẳng định rằng những bình luận gây tranh cãi của Tổng thống Bulgaria sẽ không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Sofia dành cho Kiev, vì Bulgaria hoạt động với tư cách một nước cộng hòa nghị viện, ngụ ý rằng chính phủ chịu trách nhiệm về các vấn đề quốc phòng, an ninh và chính sách đối ngoại, chưa không phải Tổng thống.
“Quả bóng đang ở trên sân của chúng tôi – của nội các, và điều đáng chú ý là quan điểm của nội các khác biệt đáng kể so với quan điểm của Tổng thống”, Bộ trưởng Quốc phòng Bulgaria nhấn mạnh.
Vị quan chức này nói thêm rằng, trên thực tế, Chính phủ Bulgaria không hỏi ý kiến Tổng thống Radev về viện trợ quân sự mà họ gửi tới Ukraine.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Kyiv Independent)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bulgaria-tang-gap-doi-san-luong-vu-khi-phuc-vu-xuat-khau-sang-ukraine-a636968.html