Theo thông tin từ UBND huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, địa phương tổ chức lễ hội kỷ niệm 438 năm ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong 3 ngày 8, 9 và 10/1/2024 (tức các ngày 27, 28 và 29 tháng 11 năm Quý Mão) tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.
Trong thời phong kiến, Tp.Hải Phòng có 3 vị trạng nguyên: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Tất Văn, Lê Ích Mộc. Trong đó, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.
Năm 45 tuổi ông mới dự thi. Liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu, giành học vị cao nhất – Trạng Nguyên. Sau đó, ông giữ chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm rồi chuyển sang chức Đại học sĩ Tòa Đông Các, sau thăng Tả thị lang Bộ Hình rồi Tả thị lang Bộ Lại, tước Trình Quốc Công.
Làm quan được 8 năm, triều Mạc bất ổn, Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm dâng sớ vạch tội 18 lộng thần, nhưng không được vua chấp thuận. Mùa thu năm Nhâm Dần (1542), ông từ quan về quê dựng Am Bạch Vân mở trường dạy học đến khi qua đời năm 1585.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận xếp hạng Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2019, Lễ hội Đền thờ Trạng Trình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tháng 8/2023, tại Quyết định số 2195, UBND Tp.Hải Phòng thành lập Ban vận vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày mất của ông (1585 – 2035).
Lễ hội kỷ niệm ngày mất Trạng Trình được địa phương tổ chức hàng năm nhằm tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của ông cũng như khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Qua đó, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên, người dân.
Lễ hội kỷ niệm 438 năm ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ bao gồm: Lễ Mộc dục, Lễ Rước văn, Lễ Cáo yết, Lễ Dâng hương. Tâm điểm là Lễ kỷ niệm 438 năm ngày mất Trạng Trình. Phần hội gồm: Giải vật truyền thống, chương trình thơ – nhạc về Trạng Trình, hát Văn, hát Xẩm, hát Chèo, kéo co, giải đua thuyền, giải pháo đất.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/hai-phong-to-chuc-le-hoi-ky-niem-438-nam-ngay-mat-trang-trinh-a644175.html